Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Tang vật là tài sản bị chiếm đoạt sẽ được trả lại cho chủ sở hữu

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013 quy định chi tiết một số điều và bện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thực hiện hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; nếu không nộp thì bị cưỡng chế thực hiện theo quy định.

Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm để xác định khoản tiền tương đương mà người vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước dựa trên một trong các căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có trách nhiệm xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm.

Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và phải thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.

Dự thảo đề xuất, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xác định giá trị tang vật, phương tiện để xác định khoản tiền tương đương mà người vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước, người tạm giữ tang vật, phương tiện phải thông báo bằng văn bản cho người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp về việc trả lại tang vật, phương tiện, trừ trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản có trách nhiệm kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ; giấy tờ tùy thân của chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;

Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Biên bản trả lại giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phải được giao cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp và cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm, mỗi người 1 bản.

Tang vật, phương tiện khi đã được đưa ra khỏi nơi tạm giữ thì chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp đã nhận tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm về sự mất mát, thay đổi đối với tang vật, phương tiện đó.

Trường hợp đã quá 3 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo theo quy định mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phương tiện phải thông báo ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Kha Xuân Lộc

Tag :Bộ Tư pháp, tịch thu phương tiện, Luật xử lý vi phạm hành chính, chủ sở hữu, tạm giữ tang vật, người sử dụng hợp pháp, hành vi vi phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét